TỔ CHỨC SỰ KIỆN CHUYÊN NGHIỆP - ẤN TƯỢNG - SÁNG TẠO -------> LIÊN HỆ: 0979.097.111

7/4/11

Thăm làng dệt cổ La Cả


Làng đệt cổ La Cả

La Cả là tên một làng cổ bao gồm hai làng nhỏ là La Nội và Ỷ La. Trải qua quá trình lịch sử và những ràng buộc phong kiến, La Nội và Ỷ La có khi gọi là hai xã, nhưng cũng có khi là hai thôn.Sách Hà Nội địa dư soạn năm Tự Đức thứ 19 (1866) ghi rằng, xã La Nội, xã Ỷ La thuộc tổng La Nội huyện Từ Liêm phủ Hoài Đức tỉnh Hà Nội.

Sách Đồng Khánh địa dư chí biên soạn vào 1888 cũng ghi, xã La Nội, xã Ỷ La thuộc tổng La Nội huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Nội. Đến ngày nay, La Nội và Ỷ La là hai thôn thuộc xã Dương Liễu huyện Hoài Đức, Hà Nội. Sự thay đổi chỉ là thủ tục hành chính, còn mối kết giao và phong tục truyền thống của hai làng thì từ xưa vẫn duy trì và tồn tại trong cái nôi của một ngôi làng cổ - La Cả. Theo truyền thuyết dân gian, hai làng La Nội, Ỷ La xưa là Đại La trang tức là trang La lớn. Tại cổng đình làng hiện còn đôi câu đối:


Thiên bách niên dư lễ nhạc y quan, ngọc phả danh hương, cổ La trang, kỳ khu nhị xã.
Tứ thập thế kỷ anh hào lũy xuất, trúc bào tùng mậu, kim danh lam, thắng cảnh thiên thu.
Nghĩa là:
Trăm nghìn năm lẻ, lễ nhạc y quan, ngọc phả nổi danh, trang cổ La đã riêng hai xã.
Bốn mươi thế kỷ anh hào nối tiếp, trúc bào tùng mậu, lừng danh thắng cảnh nghìn thu.
Làng từ xưa chuộng nông nghiệp, với địa thế thuận tiện là nằm bên bờ sông Nhuệ, nên dân cư ở đó lấy nông nghiệp làm trọng. Làng La Cả từ sớm đã có hương ước gồm những điều lệ đặt ra để giữ nghiêm phong tục của làng, từ nghi thức thờ cúng thành hoàng, sản xuất nông nghiệp, chuộng đạo học đến những vấn đề nhỏ trong đời sống cũng được đề cao. Bản hương ước soạn năm Cảnh Hưng thứ 13 (1752) đời Lê Hiển Tông do quan viên chức dịch hai xã soạn thảo khoán lệ, gồm 66 điều, đời sau lại chép thêm nhiều điều lệ mới. Theo các điều lệ trong bản hương ước cổ thì hai làng La Nội và Ỷ La có bộ máy quản lí hành chính riêng, song lại có chung đình chùa, chung đức thành hoàng, chung hương ước. Đặc biệt, một người sinh sống ở làng này lại có thể sinh hoạt ngôi thứ ở làng kia. Làng La Cả có truyền thống hiếu học và khoa bảng, xưa kia từng nổi tiếng là một trong Từ Liêm tứ quý của huyện Từ Liêm. Ngày nay, người đời vẫn truyền tụng câu ca Nhất Mỗ nhì La thứ ba Canh Cót. Trong bản hương ước có hai điều qui định về việc trọng học sùng nho rằng: Kẻ sĩ học tập chuyên cần thì được miễn việc lao dịch, canh điếm và việc binh trong cả năm. Những người đến năm 26 tuổi mà chưa được vào trường học, những người không chuyên cần học tập thì không được theo lệ này. Hay có điều còn qui định: Trong 2 xã nếu người nào nuôi dưỡng 2, 3 con ăn học chăm chỉ và đều học giỏi thì sẽ được ngồi cùng với trưởng thôn. Trong đó, người nào không thi đỗ Tiến sĩ cũng được vào hội Tư văn, để khích lệ. Theo các sách khoa bảng thì làng La Cả (gồm La Nội và Ỷ La) trong thời phong kiến có 7 người đỗ đại khoa, 43 người đỗ trung khoa. Có năm, làng có 3 đến 4 người đỗ đạt vinh qui bái tổ về làng. Tuy là làng nông nghiệp, song lại nằm trong cái nôi văn hóa của cả một khu vực ven sông Nhuệ, từ Vạn Bảo (nay là Vạn Phúc) đến La Tinh, nên làng La Cả cũng mang dấu ấn chung về một nghề nổi tiếng: nghề dệt lụa. Từ nét nghĩa văn tự của chữ La, chỉ một thứ tơ dệt mỏng và mát, mà các làng Ỷ La, La Nội, La Khê, La Du, La Dương, La Phù, La Tinh đều là những làng có nghề dệt lụa truyền thống lâu đời. Từ thế kỷ 17, 18, người làng La Cả đã dệt những tấm lụa đẹp và mát cung cấp cho thị dân chốn Kinh Kỳ. Với địa thế cận kề kinh thành Thăng Long, việc giao thương buôn bán hàng tơ lụa là một điểm mạnh của người dân nơi đây. Tuy nhiên, là một làng cổ có nhiều tập tục tốt đẹp, thì ngay trong việc buôn bán cũng phải tuân theo những nét sinh hoạt văn hoá "buôn có bạn, bán có phường".
25.jpg
Đình làng La Cả
Điều này được bản hương ước cổ đặt ra rất chặt chẽ: Các phường dệt vải khi vào Kinh để bán hàng, người vào trước bán trước, không được vội vã trục lợi mà tranh bán. Phải chờ cho người vào trước không bán, họ đi rồi người vào sau mới được bán. Nếu người nào không chịu tuân theo lệ trên cho phép người vào trước được tố cáo, có bản phường làm chứng. Hôm sau, trình các quan viên của 2 xã để xét thực và bắt phạt người tranh bán 2 quan tiền cổ cho 2 xã cùng uống ruợu. Khi bỏ tiền mua, vải dày chỉ cho phép bán với giá 1 mạch tiền cổ, nếu dệt mỏng thì giá là 6 văn tiền cổ; lụa dày cho phép bán với giá 30 văn tiền cổ, nếu dệt mỏng hơn thì giá là 5 văn tiền cổ. Nếu người nào ngầm bán với giá tùy tiện cho phép người trong bản phường tố cáo để làm bằng chứng, hôm sau sẽ trình lên các quan viên để tra xét sự việc. Bắt phạt người bán giá tùy tiện trên 6 mạch tiền cổ để cho mọi người cùng uống rượu. Lại nữa, nếu người trong Kinh vì cớ bỏ ra ít tiền mà chửi mắng người làng, thì các phường trong 2 xã không được bán cho người đó nữa. Nếu người nào làm trái, cho phép người trong phường trình các quan viên và bắt phạt người đó rượu và lợn trị giá 3 quan tiền cổ để mọi người cùng uống rượu như lệ.
Nghề dệt ở làng La nổi tiếng trong nước nên các đời vua nhà Nguyễn thường bắt dân nộp the lụa các màu cho triều đình. Cùng với sự phát triển của xã hội và khoa học kỹ thuật, mặt hàng dệt càng ngày càng phong phú và tinh tế, đặc biệt the La luôn đứng đầu trong các làng dệt the. Hàng the được dệt thưa bằng những sợi tơ mảnh tạo nhưng khoảng trống theo chiều ngang. Riêng the làng La thường có hoa to với nhiều mẫu đẹp, áo the khoác ngoài để làm tăng vẻ đẹp nền nã của lần áo mặc trong. Vì thế, mặt hàng tinh tế này không những nổi danh trong nước mà còn vang xa trên thị trường quốc tế. Người nước ngoài ngưỡng mộ trước vẻ đẹp mịn màng của the và tơ lụa, cảm nhận sự mát mẻ bay bổng khi mang trên người tấm áo làng La.

Trong ngày xuân mới về làng cổ La Cả, chúng ta còn biết thêm một tập tục truyền thống tốt đẹp. Vào 3 ngày giữa tháng Giêng Âm lịch, ngoài tục lệ tế thành hoàng, đêm ngày cuối của hội lễ có cuộc rước kiệu từ đình Cả đến quán La. Ban đêm, trong sân quán La diễn ra trò săn bắt hổ ban đêm, diễn lại ích Đương Cảnh Công giết ác thú trừ hại cho dân thuở xưa, và dường như đó là một lí do để hội làng La trở thành nổi tiếng, và người đời gọi là hội rã La, nay vẫn truyền nhau câu ca: Bơi Đăm, rước Giá, hội Thầy Vui thì vui vậy, không tày rã La.

BẠN CÓ THỂ XEM THÊM:

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

THÔNG TIN DU LỊCH