TỔ CHỨC SỰ KIỆN CHUYÊN NGHIỆP - ẤN TƯỢNG - SÁNG TẠO -------> LIÊN HỆ: 0979.097.111

12/4/11

Ngô Thì Nhậm và Văn Miếu Quốc Tử Giám



Ngô Thì Nhậm - Nhà trí thức lỗi lạc
Đã 200 năm, từ ngày Ngô Thì Nhậm qua đời sau trận đòn thù tại sân Văn Miếu (1803). Sau hành động tàn nhẫn và bỉ ổi ấy, vua quan nhà Nguyễn tiếp tục lên án ông về tội “bất trung, bất hiếu”.
Họ chê trách ông đã bỏ vua Lê, chúa Trịnh để đi theo Tây Sơn.
Ngày nay, từ những tài liệu chính xác của lịch sử, các nhà khoa học Việt Nam đã dần dần có đầy đủ cơ sở để nhìn lại cuộc đời ông và trả lại cho ông cái chân giá trị của một người trí thức lỗi lạc, đã có những cống hiến rất lớn cho dân tộc mình trên mọi lĩnh vực chính trị, quân sự, ngoại giao, triết học và văn học.
Ông để lại một di sản văn chương đồ sộ gồm trên 600 bài thơ và 15 tác phẩm lớn.
Qua những trang sách cũ, đọc lại thơ ông, chúng ta thấy nổi lên những nét rất đậm đà và rực rỡ về toàn bộ cuộc đời ông. Ta càng hiểu thêm những khát vọng lớn lao, những suy nghĩ thầm kín, những tâm sự đau thương phản ánh con người ông từ chiều sâu của tâm hồn.
Thơ văn ấy là một bức tranh tuyệt đẹp vẽ lại cuộc đời ông, người đã đem hết trí lực và tài năng chiến đấu cho lợi ích của nhân dân, cho đạo lý của cuộc sống, cho vinh dự của tổ quốc, cho phẩm giá của con người.
Ngô Thì Nhậm sinh ngày 25/10/1746 tại làng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông cũ (nay thuộc Hà Nội).
Cha ông là Ngô Thì Sĩ, đậu tiến sĩ, làm quan thời Lê Trịnh đồng thời là nhà sử học và nhà thơ. Các em ông đều học giỏi đỗ cao. Em rể ông là Phan Huy Ích, một trí thức nổi tiếng thời Tây Sơn.
Người đương thời thường khen ngợi gia đình ông “Họ Ngô một bồ tiến sĩ”. Không những gia đình đã từng đời đời đỗ đại khoa và nhận tước lộc cao của triều đình mà còn nổi tiếng về văn học, được mọi người tôn vinh với danh hiệu Ngô gia văn phái.
Ngô Thì Nhậm không chỉ tự hào về truyền thống khung cảnh của gia đình mà trước hết ông nhấn mạnh đến phẩm chất đạo đức của dòng họ và quê hương ông. Ông từng viết “ở cái làng lễ nghĩa, sống trong xóm lễ nghĩa, cha anh theo nghiệp Nho, có lẽ nào con em lại đem kinh sách ra mà đào trộm mả người” (Ký tự mục đình).
Ngô Thì Nhậm 16 tuổi đã soạn quyển Nhị thập thất sử toát yếu. Năm 1765, ông đậu kỳ thi Hương, tiếp đến năm 1769, ông đỗ khoa sĩ vọng, được bổ chức Hiến sát phó sứ Hải Dương. Công việc trước tác và sáng tác của ông thực sự bắt đầu từ giai đoạn này.
Năm 1771, Ngô Thì Nhậm hoàn thành quyển Hải Đông chí lược, nghiên cứu mọi mặt về lịch sử và đời sống của vùng Hải Dương. Năm 1775, Ngô Thì Nhậm đi thi hội, đỗ thứ năm hàng tiến sĩ đệ tam giáp, được bổ Cấp sự trung bộ Hộ.
Năm 1776, được thăng Giám sát ngự sử đạo Sơn Nam, rồi thăng Đốc đồng trấn Kinh Bắc, năm sau lại kiêm luôn Đốc đồng Thái Nguyên. Năm 1779, Ngô Thì Nhậm chuyển sang làm Hiệu thư ở tòa Đông Các.
Làm án sát Hải Dương rồi làm Đốc đồng hai trấn Bắc Ninh và Thái Nguyên, ông đã tỏ ra là một thanh niên lỗi lạc, văn võ kiêm toàn.
Sĩ phu đương thời chê trách Ngô Thì Nhậm đã ít nghĩ đến vua Lê mà chỉ hết lòng với chúa Trịnh, sau lại bỏ cả Lê, Trịnh mà theo Tây Sơn như thế là bất trung. Người ta phủ nhận những cống hiến vĩ đại của Ngô Thì Nhậm đối với tổ quốc, với nhân dân; coi đó chỉ những hành động xu thời.
Trước tất cả những lời đả kích ấy, Ngô Thì Nhậm đã kiên quyết đi con đường của mình.
Ngay từ khi đỗ tiến sĩ, Ngô Thì Nhậm đã được chúa Trịnh tin dùng. Vì lòng trung thành với chúa Trịnh và trước hết là lòng trung thành với tổ quốc và với nhân dân, mà Ngô Thì Nhậm dám nói thẳng với chúa Trịnh về những sai lầm trong chính sách của triều đình.
Năm 1782, Trịnh Sâm mất, kiêu binh phế Trịnh Cán lập Trịnh Tông lên ngôi chúa. Thấy tình hình Thăng Long phức tạp, Ngô Thì Nhậm bỏ về sống ở quê vợ, vùng Sơn Nam, trong vòng sáu năm. Ông đã hoàn thành tác phẩm khảo cứu Xuân Thu quản kiến và tập thơ Thủy vân nhàn vịnh trong thời gian này.
Năm 1786, Nguyễn Huệ ra Bắc đánh đổ nhà Trịnh rồi trả lại đất nước cho vua Lê, Ngô Thì Nhậm vẫn giữ thái độ độc lập, vẫn tiếp tục lánh đời và từ chối mọi lời mời gọi.
Nguyễn Huệ ra Bắc lần thứ hai và trong một thời gian rất ngắn, vị anh hùng này đã bộc lộ tài năng và khí phách trong việc phù Lê diệt Trịnh, rất xứng đáng là người ông vẫn mong mỏi và chờ đợi.
Ông quyết tâm tìm đến với Nguyễn Huệ và tin tưởng rằng việc làm của mình là đúng. Khác hẳn với các sĩ phu đương thời, ông dứt bỏ những ràng buộc về giai cấp và nhận thức, đi hẳn với phong trào Tây Sơn và trung thành tuyệt đối với người anh hùng áo vải.
Cuộc gặp gỡ giữa Quang Trung và Ngô Thì Nhậm là một cuộc gặp gỡ kỳ diệu giữa người trí thức lỗi lạc với người anh hùng kiệt xuất. Có thể nói Ngô Thì Nhậm là người duy nhất đã hiểu rõ Quang Trung, và Quang Trung cũng là người duy nhất đã hiểu hết được tài năng và phẩm chất của Ngô Thì Nhậm.
Ngay từ buổi đầu, Quang Trung đã phong Ngô Thì Nhậm là Tả thị lang bộ Lại, nghĩa là phụ trách toàn bộ công việc tổ chức và cán bộ trong nội bộ của mình. Ngay buổi đầu đó, Ngô Thì Nhậm đã lập tức gọi em rể là Phan Huy Ích viết thư cho bạn là Trần Bá Lãm, giới thiệu một loạt trí thức có tài, có đức về với Quang Trung.
Cuộc rút quân về Tam Điệp là một sách lược kiệt xuất nói lên trình độ mưu trí và cực kỳ sáng tạo của Ngô Thì Nhậm.
Lúc đó các tướng võ như Ngô Văn Sở, Phan Văn Lân chỉ có biết đánh, còn Nguyễn Văn Dụng thì chỉ muốn lặp lại kinh nghiệm của Lê Lợi ngày xưa là mai phục. Ngô Thì Nhậm đã bác bỏ cả hai ý kiến đó, so sánh lực lượng của hai bên, vạch ra sự khác nhau cơ bản của hoàn cảnh lúc bấy giờ và hoàn cảnh của thời Lê Lợi khi xưa, nêu lên ý nghĩa của “toàn quân rút lui không bị mất một mũi tên, cho nó ngủ trọ một đêm rồi lại đuổi đi” (Hoàng Lê nhất thống chỉ).
Sách lược rút lui này hoàn toàn phù hợp với ý của Quang Trung và đã tạo điều kiện hết sức quan trọng để Quang Trung đánh bại quân Thanh.
Sau khi đất nước được giải phóng, Quang Trung rút về Phú Xuân, để Ngô Thì Nhậm ở ngoài Bắc và giao cho toàn quyền đảm đương công việc ngoại giao với nhà Thanh. Ngô Thì Nhậm lại phát huy óc sáng tạo của mình. Trong việc tiếp xúc với vua quan nhà Thanh cũng như trong việc giao dịch bằng thư từ, Ngô Thì Nhậm vừa cương quyết, vừa linh hoạt, vừa nêu cao chủ quyền dân tộc, vừa giữ tình hoà hiếu giữa hai nước.
Với tài ngoại giao, Ngô Thì Nhậm đã góp phần ngăn chặn được cuộc tấn công trả thù của nhà Thanh, miễn được lễ cống người vàng, đòi nốt những tỉnh ở vùng Tây Bắc, yêu cầu phong vương cho Quang Trung, củng cố lòng quý trọng của vua nhà Thanh đối với Quang Trung.


Ngô Thì Nhậm chỉ cộng tác với Quang Trung có năm năm. Vị anh hùng kiệt xuất của dân tộc đã từ trần quá sớm. Đó là sự tổn thất không gì bù đắp được của nhân dân ta thời kỳ bấy giờ. Đó cũng là nỗi đau xót nhất của Ngô Thì Nhậm.
Vua mới còn ít tuổi, công việc quốc gia bị Bùi Đắc Tuyên, cậu ruột của vua nắm hết. Triều đình Tây Sơn ngày một suy vong. Ngô Thì Nhậm mặc dầu tuổi già, sức yếu vẫn cố gắng phục vụ triều Tây Sơn, vừa thương nhớ Quang Trung, vừa lo lắng cho vận mệnh của đất nước. Không có cách gì để thuyết phục vua Quang Toản nghe theo mình, ông đã rất đau buồn, suy nghĩ.
Thời kỳ này, Ngô Thì Nhậm đã viết cuốn sách lý luận về Phật giáo nhan đề Trúc Lâm tôn chỉ nguyên thanh. Trong tập này, Ngô Thì Nhậm đã phát huy cao hơn nữa tư tưởng của cha mình. Ngô Thì Sĩ, cha ông ngày xưa cũng đã từng muốn thống nhất cả Khổng giáo, Phật giáo và Lão giáo vào một nguồn gốc (Tam giáo nhất nguyên). Hòa hợp đạo Phật và đạo Nho, Ngô Thì Nhậm đã trình bày những kiến thức rất uyên bác với những lý lẽ rất chặt chẽ của mình.
Điều đáng quý ở Ngô Thì Nhậm là trong giai đoạn suy vong của triều Tây Sơn, ông vẫn giữ nguyên vẹn một tấm lòng thủy chung son sắt, luôn luôn tìm mọi cách củng cố triều đại, phục vụ tổ quốc và nhân dân.
Trong tình hình phức tạp và suy thoái này của nhà Tây Sơn, Nguyễn Ánh sau khi chiếm lại miền Nam, đã kéo quân ra Bắc, tiêu diệt triều đại Tây Sơn và chấm dứt cuộc đời của Ngô Thì Nhậm bằng một trận đòn thù ở sân Văn Miếu.
Trong suốt cuộc đời mình Ngô Thì Nhậm đã chứng kiến không biết bao nhiêu sự thay đổi từ Nam chí Bắc.
Thời thế luôn thay đổi nhưng bản chất con người trí thức chân chính ấy không thể thay đổi. Dù ở với Lê, Trịnh hay với Tây Sơn, dù trong lúc giữ những trọng trách lớn của lịch sử hay lúc sa cơ trước mặt quân thù, Ngô Thì Nhậm đã giữ nguyên vẹn những phẩm chất cao quý của mình. Đó là lòng yêu nước, yêu dân, là đầu óc suy nghĩ sáng tạo, là sự đấu tranh đến cùng cho chính nghĩa./.

BẠN CÓ THỂ XEM THÊM:

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

THÔNG TIN DU LỊCH